Không chỉ mạnh ở khả năng thực chiến, những màn biểu diễn công phá gạch đá, nằm trên mảnh chai hay đập đá trên người… là “dễ như ăn kẹo” với các cao thủ võ Bình Định.

Nhắc đến võ cổ truyền Việt Nam, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới võ Bình Định. Vậy môn phái nổi danh này lợi hại nhất ở những điểm nào?

Kỹ thuật siêu đa dạng

Xuất phát từ mục đích đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nghĩa quân Tây Sơn, võ Bình Định luôn có tính thực chiến rất cao đặc biệt là sự hiệu quả so với thể trạng nhỏ bé nhưng rất linh hoạt của người Việt.

Võ Bình Định có một hệ thống đòn thế, quyền cước rất phức tạp.

Qua thời gian những đòn thế này được tổng hợp thành các bài quyền điển hình của võ thuật cổ truyền Việt Nam như Ngọc trản quyền, Lão mai quyền, Hùng kê quyền, Siêu bát quái, Roi tấn nhứt, Roi ngũ môn…

Võ Bình Định có tính liên hoàn, tinh tế, uyên thâm, được kết hợp nhuần nhuyễn giữa cương và nhu, giữa công và thủ, giữa mạnh và yếu, giữa bên trong (tinh, khí, thần) với bên ngoài cơ thể (thủ, nhãn, chỉ và thân).

Môn võ này chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc khi áp dụng học thuyết âm – dương, lấy phép ngũ hành và phép bát quái làm nguyên lý cơ bản.

“Song thủ ngũ hành vi bản”, “Lưỡng túc bát bộ vi căn” là cơ sở võ lý cho luyện tập bộ tay và bộ chân trong võ cổ truyền Bình Định.

Võ Bình Định rất mạnh trong thực chiến.
Võ Bình Định rất mạnh trong thực chiến.

Tấn pháp trong bát quái và Thủ pháp trong Ngũ hành, có sự phối hợp cả hai phương diện ngoại công và nội công.

Võ Bình Định bao gồm luyện công, quyền thuật, võ với binh khí, luyện tinh thần.

Quyền còn gọi là thảo bộ hay quyền tay không, bao gồm Cương quyền và Nhu quyền.

Trong đó võ tay không chia thành 4 nhóm: Võ thể dục, võ tự vệ, võ tỷ thí và võ chiến đấu.

Bình Định Gia – một hệ phái của võ Bình Định đã phát triển những công phu chiến đấu thành hai bộ chân tấn và cùi chỏ (trong phái gọi là cút).

Các công phu cơ bản được sắp xếp thành những bài quyền ngắn và dễ hiểu, nhưng rất hiệu quả, như Trung bình tấn cút, Đinh tấn cút, Pháp cước, Ngũ hành quyền, Tứ tượng.

Nội công thượng thừa

Cùng với những công phu phản xạ, chân lực, nhãn pháp, tịnh tâm pháp thì nội công chính là một trong những kỹ thuật nâng cao của võ Bình Định.

Nhắc tới võ Bình Định không thể bỏ qua kỹ thuật nội công. Hệ thống mà nhiều người nhầm lẫn với khí công hoặc ngạnh công. Thật ra môn nội công khác với môn khí công dù vẫn cùng trong lĩnh vực kỹ thuật hô hấp.

Trong đó, việc luyện nội công được coi là khó nhất. Nội công võ Bình Định hướng tới luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hoàn hư.

Nói nôm na, nội công võ Bình Định là những kỹ thuật kiểm soát và rèn luyện nội lực, để nhiếp tâm tĩnh tọa, không chỉ giúp đạt sức mạnh của thể chất mà còn giúp tu tâm dưỡng tính.

Hệ thống này đòi hỏi người tập phải có trình độ cao và phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài, gian khổ.

Với những kỹ năng nội công, khí công thượng thừa, các võ sư Bình Định có thể thực hiện màn biểu diễn đòi hỏi trình độ cao như:

Lưng trần nằm trên mảnh thủy tinh cho xe tải lăn qua; đâm giáo nhọn vào yết hầu; tấn vững để đá trên gáy dùng búa đập vỡ hay đứng từ trên cao khoảng hai mét chân trần nhảy vào đống mảnh thủy tinh vỡ…

Các đệ tử võ Bình Định cũng có khả năng phi thân (hay còn gọi là khinh công) rất điêu luyện, như chạy trên chiếc chiếu trải trên mặt nước với quãng đường hàng trăm mét.

Tuyệt kỹ binh khí

Hiếm có môn võ nào sử dụng binh khí một cách đa dạng như võ Bình Định.

Binh khí được dùng trong võ cổ truyền Bình Định bao gồm dài và ngắn.

Loại binh khí rất cơ bản được lưu hành khá phổ biến ở Bình Định là côn (tiếng địa phương gọi là roi) với nhiều “phách roi” độc đáo chỉ có ở võ cổ truyền Bình Định:

“Đâm so đũa”, “Đá văn roi”, “Phá vây”, “Roi đánh nghịch”… Đây là những vũ khí rất hiệu quả để chống giặc khi xưa.

Bình Định có “Bài kiếm 12” nổi tiếng gồm 12 động tác được rút tỉa trong nhiều bài kiếm tiêu biểu của Bình Định để hình thành một cách ngắn gọn, dễ tập, dễ nhớ

Nó được đưa vào luyện tập và thực hành chiến đấu đạt hiệu quả cao trong các lực lượng vũ trang và bán vũ trang ở một số địa phương.

Võ Bình Định còn gồm các loại độc khí, ám khí như Ô giang thiết địch, tiêu dây, tiêu đũa, tiêu sao… ngày càng được nghiên cứu phát huy hết công năng khi xung trận.

Tuy nhiên, những công phu tuyệt luân ấy chỉ được truyền dạy trong nội tộc để bảo lưu, gìn giữ như một món gia bảo mà không được truyền bá ra cho người bên ngoài.

Những bài quyền “huyền thoại”

Bên cạnh bài Ngọc trản quyền rất nổi tiếng, được nhiều võ sĩ biết đến cũng như tập luyện, võ Bình Định còn có nhiều bài quyền khác rất đặc sắc.

Trong đó có thể kể tới bài Hùng kê quyền, đỉnh cao võ thuật cổ truyền mô phỏng các kỹ thuật của gà chọi.

Bài quyền này tương truyền do danh tướng Nguyễn Lữ sáng tạo ra và được truyền lại tới ngày nay.

Bài Hùng kê quyền sử dụng ngón tay trỏ để đâm (nhất dương chỉ) mô phỏng hình mỏ gà, và các ngón còn lại co vào như chiếc cựa gà.

Thủ pháp độc đáo như vậy lại nhằm vào những mục tiêu hiểm của đối thủ, như các huyệt đạo, ngực, hầu…

Bộ pháp của bài hết sức linh hoạt, thần tốc, xoay chuyển một cách biến ảo.

Điều đó hỗ trợ cho việc thi triển thủ pháp một cách kiến hiệu, khiến đối thủ luôn phải hứng chịu những đòn thế có tính sát thương cực cao.

Theo một số tài liệu, trong võ Bình Định còn có bài quyền Ba chân hổ, một tuyệt kỹ bí hiểm có tính sát thương vô cùng lớn.

Võ Bình Định có nhiều bài quyền đặc sắc.
Võ Bình Định có nhiều bài quyền đặc sắc.

Tuy nhiên nó đòi hỏi một sự khổ công rèn luyện nhưng đến nay dường như đã bị thất truyền.

Lão võ sư Hà Trọng Ngự – người từng tập luyện tuyệt kỹ này có lần cho biết, để luyện thành công, đòi hỏi nền tảng võ học vững chắc.

Các phương pháp tập luyện tuyệt kỹ cũng vô cùng phức tạp đòi hỏi phải rất kiên trì mới luyện thành.

Để nắm được bài quyền này, võ sinh phải luyện thành 5 pháp khác nhau bao gồm: thân pháp, tấn pháp, thủ pháp, cước pháp, nhãn pháp và cuối cùng là thần sắc.

Một trong những pháp khó luyện nhất là thủ pháp.

Theo đó, để có được bàn tay cứng như sắt thép, uy lực như vuốt mãnh hổ, người tập phải dùng tay không xúc vào đá nhỏ liên tục cho đến khi bàn tay xơ tước, rướm máu rồi mới ngâm tay vào thuốc võ bí truyền.

Tiếp tục luyện như vậy cho đến khi da và các đầu ngón tay không còn cảm giác đau đớn nữa lại thay đá bằng sạn và đá loại lớn hơn.

Hỗn hợp đá và sạn trên sẽ được trộn với thuốc đổ vào chảo được đặt trên lửa đỏ.

Người tập phải dùng tay liên tục đảo hỗn hợp trên trong lửa đỏ cho đến khi tay nóng không chịu được mới rút ra ngâm vào thuốc. Cứ thế cho đến khi chịu được mức nhiệt cao nhất.

Để có được hổ trảo uy lực, ngoài việc cần có bàn tay cứng chắc, người luyện còn phải dùng năm đầu ngón tay bấu, chụp vào các vật cứng từ nhẹ đến mạnh để luyện lực kéo, xé, bóp …

Hay để có thân pháp như một “chúa sơn lâm”, võ sinh phải tập nhảy khỏi hố sâu với chân trần, chân mang chì hoặc sắt…

Share.

Comments are closed.