Liệu pháp tế bào đang nổi lên như một lĩnh vực tiên phong trong quá trình đổi mới y học
TAOYUAN, 21/10/2024 /PRNewswire/ — Liệu pháp tế bào là một phương pháp tiếp cận mang tính cách mạng. Khi sử dụng liệu pháp này, các tế bào sẽ được xử lý bên ngoài và sau đó đưa trở lại bên trong cơ thể để điều trị hoặc ngăn ngừa các loại bệnh tật. Trong những năm gần đây, liệu pháp này đã được công nhận là một phương pháp điều trị rất hứa hẹn trong lĩnh vực y tế. Bệnh viện Chang Gung Memorial ở Đài Loan là bệnh viện đi đầu trong việc áp dụng liệu pháp hoàn toàn mới này khi mà vào năm 2018, bệnh viện này đã thành lập phòng thí nghiệm Thực hành Mô tốt (GTP) với sáu phòng xử lý tế bào đạt chuẩn PICS/GMP quốc tế. Bệnh viện Chang Gung Memorial đã tích cực hỗ trợ các thử nghiệm lâm sàng cho nhiều loại tế bào miễn dịch và tế bào y học tái tạo khác nhau, với Khoa Y học Xét nghiệm là đơn vị được chứng nhận bởi Cao đẳng Bệnh học Hoa Kỳ (CAP) và là đơn vị chịu trách nhiệm ban hành báo cáo kiểm soát chất lượng cho các quy trình sản xuất tế bào.
Liệu pháp miễn dịch tế bào diệt tự thân bằng tế bào dendritic tự thân-cytokine (DC-CIK)
Tiến sĩ Wei-Chen Lee, Phó giám đốc Bệnh viện Chang Gung Memorial, Linkou, một cơ sở hàng đầu về ghép gan tại Đài Loan, đã nghiên cứu về tế bào gốc tự thân (DC) để điều trị ung thư gan từ năm 1998. Liệu pháp của ông đã đạt được những kết quả đáng chú ý, cụ thể là sau khi áp dụng phương pháp điều trị này, không ghi nhận sự phát triển của bất kì khối u nào khác và tỷ lệ kiểm soát bệnh đạt tới 70-80%. Nhóm của ông hiện đang tiến hành nghiên cứu về vắc-xin điều trị ung thư, với mục tiêu triển khai điều trị ngay sau phẫu thuật để ngăn ngừa ung thư tái phát.
Giáo sư John Yu từ Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Ung thư Chuyển dịch (ISCTCR) đã phát triển công nghệ mở rộng “apexNK” ba giai đoạn mới cho tế bào sát thủ tự nhiên (NK). Kết hợp với phương pháp chuyển gen virus hiệu quả cao, công nghệ này tạo ra một loại tế bào miễn dịch CAR-NK hoàn toàn mới, giúp khắc phục những hạn chế của liệu pháp CAR truyền thống trong điều trị khối u rắn. Giám đốc Shuen-Iu Hung từ Phòng thí nghiệm lõi về vắc-xin ung thư và liệu pháp tế bào miễn dịch đã hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn I với mục tiêu nhắm vào các tân kháng nguyên khối u để điều trị các khối u rắn, mở đường cho các ứng dụng trong tương lai liên quan đến việc điều trị các khối u di căn và các khối u có khả năng kháng nhiều loại thuốc.
Liệu pháp tế bào CAR-T: Thuốc sống, một liệu pháp mang tính cách mạng trong việc điều trị ung thư
Liệu pháp tế bào CAR-T, hay liệu pháp tế bào T thụ thể kháng nguyên khảm, là liệu pháp miễn dịch đột phá kết hợp liệu pháp gen và liệu pháp tế bào. Được mệnh danh là “thuốc sống”, phương pháp điều trị này sẽ thay đổi tế bào T miễn dịch của bệnh nhân về mặt di truyền, cho phép chúng nhắm mục tiêu chính xác và loại bỏ các tế bào ung thư cụ thể. Những tế bào T được lập trình và nhân bản này sau đó sẽ được đưa trở lại cơ thể bệnh nhân. Liệu pháp tế bào T đã chứng minh hiệu quả đáng kể trong điều trị bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính (ALL) và u lympho tế bào B lớn lan tỏa (DLBCL). Do đó, liệu pháp này đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nhanh chóng chấp thuận đưa vào sử dụng.
Hai trường hợp đáng chú ý là bạn Huahua, 13 tuổi và bạn Baobao, 8 tuổi, hai bạn đều là con trai. Cả hai đều được chẩn đoán mắc bệnh ALL và sau đó phát triển thành bệnh tái phát ngoài tủy, trong đó Huahua bị phì đại tinh hoàn hai bên và Baobao bị phì đại tinh hoàn bên phải, kèm theo tình trạng số lượng tế bào ung thư còn lại gia tăng (MRD).
Trước những ca bệnh khó này, Tiến sĩ Shih-Hsiang Chen, Phó Giám đốc Khoa Nhi của bệnh viện, lưu ý rằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu truyền thống để điều trị tái phát ngoài tủy sẽ không đem lại kết quả khả quan. Các phương pháp điều trị tại chỗ như cắt bỏ tinh hoàn hoặc xạ trị cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến chức năng sinh sản của bệnh nhi. Sau khi thảo luận kỹ lưỡng với gia đình bệnh nhân, quyết định đã được đưa ra là tiến hành liệu pháp tế bào CAR-T. Sau khi điều trị, cả hai bệnh nhân chỉ bị sốt nhẹ, mệt mỏi và đã được xuất viện sau khoảng hai tuần. Hai em vẫn tiếp tục được chăm sóc và theo dõi ngoại trú.
Tiến sĩ Cheng-Hsun Chiu, đồng thời là Phó giám đốc bệnh viện, cho biết rằng những tiến bộ trong điều trị ung thư đã làm thay đổi hoàn toàn bức tranh của ngành này, phát triển từ các phương pháp xạ trị và hóa trị truyền thống sang các liệu pháp nhắm mục tiêu, cấy ghép tủy xương và hiện nay là các liệu pháp tế bào tiên phong như DC-CIK và CAR-T. Nhìn về tương lai, sự phát triển của liệu pháp tế bào miễn dịch hứa hẹn sẽ mang đến nhiều đột phá công nghệ hơn, mang lại cho bệnh nhân nhiều lựa chọn điều trị hơn và cải thiện đáng kể cả hiệu quả điều trị lẫn chất lượng cuộc sống.
SOURCE Chang Gung Memorial Hospital, Linkou
Nguồn: PR Newswire – Đơn vị phát hành hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung thông báo này.